Những phong tục đẹp ngày Tết cổ truyền của người Việt

1. Chơi hoa

Mỗi dịp xuân về, chúng ta đều đón Tết vào đầu năm mới âm lịch. Không khí Tết thực sự bắt đầu vào rằm tháng chạp. Ai trồng hoa bích đào (miền Bắc) và mai (miền Nam) đều biết ngày này, ngày mà người ta phải bứt bỏ lá để cho hoa trổ bông đúng ngày mồng một Tết. Không phải ai cũng làm công việc này vì tính chuyên nghiệp trồng hoa cảnh rất cao, tuy nhiên, chơi hoa đào, hoa mai ngày Tết là một truyền thống, và để hoa nở đúng ngày mồng 1 Tết thì duy nhất có ở Việt Nam

Những phong tục đẹp ngày Tết cổ truyền của người Việt 1
Người Hà Nội thường sắm trong nhà cành đào chơi tết.

 

Nếu như người Nhật tự hào về bonsai thì người Việt Nam tự hào về chơi hoa. Nhưng đáng tiếc có một số loài hoa quý như thủy tiên, hoa quỳnh, thường được giới thượng lưu ngày xưa xếp vào loại hoa đón Tết cao cấp, xem hoa nở để đoán vận may, thì đến nay hầu như không còn mấy ai biết đến trong ngày Tết. Thời gian thay đổi thì các thú vui ngày Tết cũng có những đổi thay, song truyền thống hoa Tết đại chúng ở Việt Nam ngày nay còn có thêm nhiều loại như hoa lan, hoa cúc, hoa tulíp… được phát triển từ trong nước và du nhập từ nước ngoài vào.

2. Tiễn ông Công công Táo lên trời

Tương truyền ở mỗi gia đình kể từ khi loài người biết dùng lửa để ăn chín đến nay luôn luôn trong nhà có ông Công ông Táo. Ông Công được xem là thần đất giữ nhà và biểu tượng của ông là cây nêu ngày Tết. Nay, phong tục trồng cây nêu đã bị mai một vì có nhiều người ở nhà tầng nên không có đất. Còn ông Táo được dân gian gọi là “ông vua bếp”. Vua bếp là vị thần cai quản việc nấu ăn trong mỗi gia đình gắn với câu ngạn ngữ “có thực mới vực được đạo”. Một cỗ bếp có ba ông vua bếp được nắn bằng đất thó (đất sét) có hình chóp cụt uốn cong cúi đầu vào nhau tạo thành thế “kiềng ba chân”.

Những phong tục đẹp ngày Tết cổ truyền của người Việt 2
 

Việc tiễn đưa ông Táo về trời là một phong tục đẹp với ý nghĩa tâm linh. Không tiễn ông Táo về trời là có gì đó khuất tất đối với trời nên sợ không dám làm lễ. Lễ ông Táo về trời bao giờ cũng có việc thả cá chép làm phương tiện cho ông. Đây cũng là mặt đời sống thiêng liêng của cư dân sông nước.

3. Đi chợ Tết, xin chữ về thờ

Đi chợ Tết ngày xưa chủ yếu là mua lá dong, mua thịt, mua hành để về gói bánh chưng. Ngoài ra, người ta không quên qua cổng chợ xin thầy đồ mấy chữ về thờ vì ngày xưa đa phần không biết chữ nên mới có phong tục thờ chữ trong nhà để mơ ước con cháu sau này được học hành, làm ăn phát đạt. Chữ được chọn để thờ thường là chữ Tâm, Phúc, Đức… Phong tục thờ chữ ngày nay đang được phục hồi bằng thư pháp thể hiện một dân tộc hiếu học trong lịch sử và hôm nay.

Những phong tục đẹp ngày Tết cổ truyền của người Việt 3
 Phong tục thờ chữ ngày nay đang được phục hồi bằng thư pháp - Ảnh: Lê Phương.

4. Gói bánh chưng, bánh tét

Phải là những người có bàn tay khéo léo mới gói được, nếu không bánh sẽ nứt góc khi luộc. Đây cũng là nét văn hóa cộng đồng cao khi người này nhờ người kia gói bánh. Luộc bánh chưng là công đoạn được nhiều người thích nhất. Đêm những ngày gần Tết, trời se lạnh mà ngồi chờ đợi bên nồi bánh chưng thì còn gì thú bằng.

Bánh chưng là một phong tục có từ nền văn minh lúa nếp (không đơn giản là lúa nước). Lúa nếp chỉ tìm thấy dấu vết cổ xưa ở đồng bằng sông Hồng và gắn với câu chuyện bánh chưng, bánh dầy từ thời vua Hùng thứ 18 khi kén phò mã. Ngày nay bánh chưng bánh tét vẫn là phong tục thưởng thức ẩm thực Tết vô cùng đẹp của dân tộc ta.


Những phong tục đẹp ngày Tết cổ truyền của người Việt 4
Bánh chưng xanh, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực dân gian dịp tết về.
 

5. Lau dọn nhà

Tất cả đồ vật, chén bát đũa đều được đem ra sửa soạn và trưng bày. Công việc dọn dẹp ngày Tết có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị “tiễn năm cũ, đón năm mới”. Cùng công việc dọn dẹp cũng là lúc xem lại xem còn nợ nần ai cái gì thì phải trả, không để nợ hai năm mà thành “nợ cả đời”. Đây là phong tục tổng kết các quan hệ để xem nợ thì phải trả trước Tết, ơn thì phải đem lễ vật đến để đáp ơn, cũng có ý không nợ ơn qua năm.

6. Đón giao thừa

Giao thừa là lúc chứng kiến trời đất gặp nhau. Khi trời đất gặp nhau sẽ toát ra một linh khí mà ai lúc đó được chứng kiến sẽ thấy trào dâng cảm xúc. Đón giao thừa bao giờ cũng cúng ngoài trời, có thể cúng mặn hoặc cúng hoa quả. Cùng với việc cúng giao thừa này, trên bàn thờ trong nhà bao giờ cũng có ngũ quả gồm chuối (chuối tiêu), bưởi, bòng, cam quýt. Ở miền Nam thờ trái theo ngôn ngữ nên thường có ngũ quả gồm mãng cầu (cầu), dừa (vừa), đu đủ (đủ), xoài (xài), sung (sung túc) hoặc dứa (thơm); đó là cầu - vừa - đủ - xài - sung hoặc cầu - vừa - đủ - xài - thơm.


Những phong tục đẹp ngày Tết cổ truyền của người Việt 5
Hàng triệu người nô nức chờ đợi thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
 

7. Xông đất mồng 1 

Xông đất có thể là chọn người từ trước và người được chọn sẽ đến vào lúc sớm nhất trong năm. Xông đất được tính từ lúc sáng sớm (mặt trời hé rạng) và trong ngày mồng một. Người kỹ tính không đến thăm nhà khác vào ngày mồng một, nhất là người còn để tang người thân. Cũng có người chọn sự ngẫu nhiên trong việc xông nhà để chiêm nghiệm trong năm.

8. Lễ

Lễ là nghi lễ tôn ti trật tự tổ tiên cố cụ, ông bà, cha mẹ, con cháu, họ hàng, bà con hàng xóm, khách thập phương. Tất cả đều được trân trọng trước sau, vì thế mới có câu “mồng một lễ cha, mồng hai lễ mẹ, mồng ba lễ thầy”. Cha là bên nội để lại cho ta dòng họ (theo phụ hệ) vì thế được xem là quan trọng. Mẹ là bên ngoại cho ta thân thể làm người, vì thế mà phải trân quý. Thầy là người cho ta hiểu biết nên phải biết kính mến.

Ngày Tết nên cắm hoa gì để rước tài lộc vào nhà?

Ngoài các hoa đặc trưng của ngày Tết như hoa mai, hoa đào, bạn có thể chọn cho gia đình mình các loại hoa tươi khác vừa chơi hoa được lâu, bền màu mà còn rất ý nghĩa.

Người xưa cho rằng hoa là tinh hoa, là vật phẩm quý giá nhất của đất trời. Ngày xuân chưng hoa trong nhà như mang cả tinh túy của vũ trụ vào nhà và vì thế con người cũng được hưởng lây cái tốt đẹp nhất. Chính vì vậy, việc chọn hoa nào để chơi Tết không chỉ làm ngôi nhà bạn trở nên sáng sủa hơn, mà còn mang đến những may mắn, niềm vui cho năm mới.

Dưới đây là những loài hoa mang nhiều ý nghĩa may mắn và giúp cho ngôi nhà của bạn thêm rực rỡ trong ngày Tết.

Hoa cúc

Mặc dù không ngào ngạt, ngát hương nhưng hoa cúc lại là lựa chọn của rất nhiều người trong dịp Tết, đặc biệt là các gia đình ở thôn quê.

Hoa cúc vừa rẻ, vừa tươi lâu, lại mang đến nhiều may mắn, niềm vui cho gia đình trong năm mới.

Những bông cúc đại đóa vàng mang ý nghĩa về niềm vui, niềm hân hoan và những nụ cười thích hợp cho những ngày đoàn viên sắp đến. Hoa cúc trắng là loài hoa biểu tượng cho sự duyên dáng và lòng hào hiệp.

Hoa trạng nguyên


Cùng với hoa cúc, hoa trạng nguyên cũng là một loài hoa được ưa chuộng trong những ngày đầu xuân.

Mầu đỏ thắm của những cánh hoa này mang đến không khí rộn ràng, và niềm may mắn cho cả năm. Hơn nữa, hoa trạng nguyên còn tượng trưng cho niềm vui về sự học hành đỗ đạt, chính vì vậy những gia đình có các "cậu tú, cô cử" thường bày loài hoa này vào dịp Tết.

Hoa lay ơn

Hoa lay ơn là một loài hoa đẹp với hình dáng thân dài, mang nhiều hoa trên một cành từ 15-20 bông hoa. Loại hoa này được nhiều người ưa chuộng đặc biệt trong những ngày Tết này, bởi loại hoa này khá bền, chơi được lâu lại mang vẻ đẹp tinh tế, dịu dàng.

Hoa lay ơn được cắm với rất nhiều những cành hoa khác, nhằm tôn lên vẻ đẹp của các loài hoa khác cũng như khoe được vẻ đẹp của chính nó.

Tuy nhiên, khi chọn hoa lay ơn, để chơi hoa được lâu, bạn nên chọn những càng hoa với số lượng bông hoa nở ít, có nhiều nụ. Chọn những cành hoa có thân to, cứng cáp, lá hoa tươi xanh và không bị sâu hay dập nát.

Khi cắm hoa, bạn nên cắt chéo gốc cành hoa để tăng cường bề mặt hút nước của cành hoa. Bạn nên dùng kéo sắc và cắt dứt khoát một lần cho mỗi cành, không nên cắt đi cắt lại nhiều lần một cành, như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến cành hoa.

Hoa đồng tiền

Hoa đồng tiền là loại hoa tượng trưng cho tiền tài, những bông hoa đồng tiền mang lại ước vọng về một năm mới thịnh vượng và tài lộc, "tiền vào như nước". Đặc biệt với hai loại đồng tiền đơn và đồng tiền kép, loại hoa này còn có nhiều màu sắc rực rỡ như đỏ, cam, vàng... để giúp cho bình hoa ngày Tết của gia đình bạn thêm bắt mắt, ấn tượng.

Nếu như không có nhiều thời gian để trang trí bình hoa đồng tiền, bạn chỉ cần một bông đồng tiền đỏ duy nhất cắm vào một lọ nhỏ nhỏ xinh xinh, cũng đủ mang lại lời ước nguyện may mắn cho năm mới thành hiện thực.

Hoa lan

Luôn được xem là biểu tượng của người sang trọng và quân tử nên việc chọn những cành hoa lan để trang trí nhà trong ngày tết là một điều dễ hiểu. Đa dạng về chủng loại và màu sắc, lại có sức sống, độ bền cao nên việc lựa chọn hoa Lan sẽ giúp bạn thêm một món đồ trang trí đẹp mắt cho ngôi nhà trong những ngày đầu năm mới.

Hoa Hải Đường

Theo quan niệm của người xưa thì đây là loài hoa tượng trưng cho mùa Xuân. Chữ “ Đường” mang hàm ý là một ngôi nhà lớn. Chính vì thế, đây là loài hoa thể hiện cho sự giàu sang và phú quý – điều mà bất cứ gia đình nào cũng mong muốn đạt được trong năm mới.

Hoa Sống Đời

Cái tên nói lên tất cả. Loài hoa nhỏ nhắn nhưng lại mang màu sắc rực rỡ và sức sống bền bỉ này mang theo ý nghĩa cầu chúc một năm mới dồi dào sức khỏe cho cả gia đình. Bên cạnh đó nó còn thể hiện sự sinh sôi, nảy nở và tình đoàn kết của các thành viên trong ngôi nhà của bạn.

Những loại hoa quả biếu tết bắt mắt nhất 2015

Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, nhân dịp tết Nguyên Đán Ất Mùi đang đến gần các nhà làm vườn đã bắt đầu tung ra thị trường nhiều loại trái cây, hoa quả biếu tết cực độc.

Kiểng bông trang

Những loại hoa quả biếu tết bắt mắt nhất 2015 - Ảnh 1

Kiểng bông trang được nhiều khách hàng ưa chuộng trong dịp Tết Ất Mùi.

Bông trang là một cây vị thuốc, có mùi thơm nhẹ, đẹp, lâu tàn nên thường được người dân trồng làm cảnh trong vườn nhà, đình chùa hoặc các công trình để tạo cảnh quan. Cây bông trang được chia ra làm 2 nhóm đó là thân cây lớn, lá lớn và thân thấp nhỏ, lá nhỏ, bông nhỏ, bao gồm các màu như đỏ, vàng, hường, trắng, cam, tím. Vài năm trở lại đây, bông trang được người dân “biến” thành kiểng để bán vào các dịp lễ, tết.

Để tạo ra một sản phẩm kiểng nhà vườn phải bỏ công tìm mua những cây bông trang có dáng đẹp, to, nhiều cành rồi đem về vô chậu, cắt tỉa, tạo dáng nên tốn nhiều thời gian và công sức. Vì thế giá của loại kiểng này đắt hơn rất nhiều so với các loại kiểng khác.

Trên thị trường, giá của một cặp kiểng bông trang loại nhỏ nhất khoảng 15 triệu đồng, bao gồm các loại bông màu vàng, trắng, hường. Còn một cặp kiểng bông trang đỏ gần 15 năm tuổi, cao 2m, tán 1,2m có giá bán lên đến 25 triệu đồng.

Kiểng hình dê

Những loại hoa quả biếu tết bắt mắt nhất 2015 - Ảnh 2

Kiểng hình dê được nhiều người ưa chuộng mua về chơi tết. 

Nhiều nhà vườn ở Bến Tre đang chạy đua để tạo dáng, hoàn thiện các loại cây kiểng hình thú, đặc biệt là hình dê để kịp giao cho khách đã đặt hàng trươc ngày tết Nguyên Đán. "Kiểng thú hình dê được nhà vườn đẩy mạnh sản xuất, do đây là linh vật của năm nên chắc chắn thị trường ưa chuộng", một chủ vườn kiểng lý giải.

Thông thường làm kiểng thú, các nghệ nhân sẽ dùng loại cây gừa tàu, do là loại cây dẻo, dễ uốn, tạo hình theo ý muốn.

Để làm ra một sản phẩm hình con dê cao 2 - 3 m phải tốn đến vài chục nhánh gừa tàu và khung sắt. Mỗi tác phẩm hoàn thiện, một nghệ nhận phải làm liên tục từ 5 -10 ngày.

Hiện giá các cơ sở đưa ra khá mềm. Kiểng hình dê có chiều cao 1,2 m có giá 3 triệu đồng/cây, loại có chiều cao 2,5 – 3 m có giá trên dưới 4 triệu, những loại có kích thước lớn hơn giá có thể lên đến chục triệu đồng.

Ngoài việc làm kiểng thú theo con giáp của năm, nhà vườn còn sản xuất nhiều kiểng thú khác như rồng, trâu, nai, voi... cả hình tháp Eiffel, hồ lô, chậu hoa, nhà mát…

Kiểng thú thường có giá cao hơn rất nhiều so với kiểng hình. Như kiểng voi, rồng…hiện giá bán trên dưới 30 triệu đồng/cặp, còn các loại kiểng hình mức giá dưới 10 triệu đồng/cặp.

Bưởi bàn tay phật
Những loại hoa quả biếu tết bắt mắt nhất 2015 - Ảnh 3

Độc, lạ, đẹp mắt, từ ngày 17/11, những trái bưởi lễ có hình dáng bàn tay Phật chính thức xuất hiện tại 4 ngôi chùa phía Nam và 4 ngôi chùa ở phía Bắc. Sau 3 năm thử nghiệm, những người trồng cây hạnh phúc vì đã hoàn thành sản phẩm mà họ tâm niệm.

Sản phẩm “chắp tay vái Phật” là trái bưởi Năm Roi không hạt được một công ty áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại tạo hình 3D. Để tạo ra loại bưởi có hình dáng bàn tay Phật, nhà sản xuất đã mất 3 năm đầu tư, nghiên cứu và thử nghiệm. Sau mỗi lần thất bại, người trồng lại phải kiên nhẫn đợi mùa bưởi tới, tức 6 tháng sau, mới có thể thử nghiệm lại. Hầu hết công nghệ, khuôn tại hình loại bưởi này đều nhập từ Thái Lan với giá thành tương đối cao.

Trái bưởi bàn tay Phật này được bán với giá 600.000 đồng/quả.

Bưởi hình hồ lô
Những loại hoa quả biếu tết bắt mắt nhất 2015 - Ảnh 4

Bưởi hình hồ lô hình long, phụng, chữ "tài", "lộc" lạ mắt vẫn được người mua yêu thích. Trái cây được tạo hình mất rất nhiều công đoạn và tỉ lệ thành công không cao, vì thế giá bán đắt hơn rất nhiều so với loại thường.

Dưa hấu vuông

Những loại hoa quả biếu tết bắt mắt nhất 2015 - Ảnh 5

Vào ngày Tết, những năm gần đây trên Thị trường hoa quả độc lạ còn có dưa hấu vuông, dưa hấu Hoàng Kim trên dưa có chữ “Tài, Lộc”, dưa hấu thỏi vàng, dưa hấu Hoàng Kim hồ lô v.v.. Những năm gần đây còn có xuất hiện dưa hấu hình xe ô tô Mercedes – Benz v.v.. Dưa hấu này đa số người dân mua về làm quà vào dịp Tết Nguyên đán.

Giá cả các loại dưa hấu này rất cao, có quả lên đến vài triệu đồng.

Quà tết 2015: Xu hướng quà quê lên ngôi

Khác hẳn với những năm trước, các món quà quê vừa dân dã, vừa ngon, lại đảm bảo an toàn thực phẩm là xu hướng quà Tết 2015 tới đây. Từ gà, cá đến các loại hoa quả đều được đang được người tiêu dùng “săn lùng” và đặt hàng đón Tết.

Cá kho làng Vũ Đại

Mỗi dịp Tết người dân làng Vũ Đại (Hà Nam) lại tất bật kho cá để kịp xuất bán đi khắp các tỉnh. Theo ước tính, năm nay một chủ cơ sở sẽ thu được vài tỷ đồng từ nghề kho cá này.

Món cá kho cổ truyền của làng Đại Hoàng hay còn có cái tên văn học mà tất cả mọi người Việt Nam đều biết đến đó là làng Vũ Đại. Cá kho như là một món ăn đặc sản không thể thiếu được trong những ngày Tết của người dân làng Vũ Đại từ bao đời nay.

Anh Trần Bá Luận, chủ cơ sở cá kho Trần Luận ở xóm 1, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam – một trong những cơ sở chế biến cá nổi tiếng nhất làng Đại Hoàng chia sẻ với PV Infonet, năm nay giá bán giữ nguyên, khách đặt hàng khá sớm, so với thời điểm này năm ngoái thì lượng khách đặt đã tăng khoảng 10%.

Dịp tết Giáp Ngọ, cơ sở của anh Luận bán ra thị trường khoảng 6.000 niêu cá kho, tăng gấp 3 lần so với năm 2013. Năm nay anh dự đoán con số này có thể khả quan hơn.

Tính giá thấp nhất 400.000 đồng mỗi nồi cá kho nhỏ nhất, thì với 6.000 nồi cá kho mang về cho chủ cơ sở doanh thu vài tỷ đồng.

Cụ thể niêu đất cá kho 1 kg giá 400.000 đồng, niêu 1,5kg giá 500.000 đồng, 2kg giá 600.000 đồng, niêu cá kho 4,5kg với giá 1,1 triệu đồng, niêu cá 6kg giá 1,4 triệu đồng, đắt nhất là niêu cá kho 6,8kg giá 1,5 triệu đồng. Mức giá nói trên đã bao gồm tiền vận chuyển cho khách hàng tại khu vực Hà Nội. Nếu vận chuyển vào TP.HCM, các tỉnh thành phía Nam, giá mỗi niêu cá kho đắt hơn khoảng 200.000 đồng.

Ông Luận chia sẻ: "Trước đây, cuộc sống nghèo khổ, các con đều đi học hành xa, mà thời đấy không có tiền để mua thức ăn nên mỗi lần các con về, tôi đều nấu cho một nồi cá mang đi để có cái ăn. Mãi sau này, khi có một vị hiệu trưởng về đây ăn Tết, thấy món cá kho hợp khẩu vị nên mua một nồi về mang đi biếu. Từ một nồi cá kho có 3 - 4 người cùng ăn thấy ngon và có hương vị đặc biệt nên "tiếng lành đồn xa", món cá kho bí truyền cứ thế truyền tai nhau. Từ đấy, họ tìm về tận làng để đặt hàng".

Bánh Tét “vạn sự như ý”

Những ngày qua, rất nhiều người đã tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Thanh Phương (địa chỉ Trần Văn Đang, phường 11, quận Tân Bình, TP HCM) để đặt mua loại bánh tét có nhân đặc biệt. Loại bánh tét này khi cắt ra mọi người sẽ thấy các mặt chữ khác nhau đầy ý nghĩa xuất hiện trên bánh.

Chị Phương cho biết, loại bánh đặc biệt này được chị nghĩ ra khi tình cờ chị thấy bánh tét có nhân đặc biệt là chữ. Nhưng chỉ có một từ, khi ghép lại rất phiền nên chị và gia đinh đã nghĩ ra làm những chiếc bánh tét có nguyên chữ, hoặc một câu chúc nằm trong một cái bánh, khi cắt ra, có thể ghép đầy đủ câu trong bánh tét.

Dù mới sản xuất được hơn 2 tháng nay, nhưng đã có gần 100 đòn bánh tét đến tay người tiêu dùng và hiện nay đã có rất nhiều khách hàng tại TP HCM và các tỉnh lân cận đặt mua đòn bánh tét cắt ra chữ dùng để biếu tặng trong dịp tết trong dịp Tết Ất Mùi 2015.

Loại bánh trên, khi cắt ra sẽ có các loại chữ như “Chúc mừng năm mới, Xuân Ất Mùi, Mừng 2015, Vạn sự như ý….”

Việc nghĩ ra loại bánh tét kết hợp chữ độc lạ đang thu hút được rất nhiều người dân đặt mua. Tết đến rất nhiều món hàng độc ra được tung ra thị trường, nhưng bánh chưng, bánh tét là một món ăn không thể thiếu trong ngày tết. Và với loại bánh tét có nhân chữ này, đang thu hút được rất nhiều khách hàng bởi sự độc đáo và mới lạ của nó.

Bưởi Diễn

Mấy ngày nay, người dân trồng bưởi Diễn ở xã Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đều vô cùng phấn khởi vì các vườn bưởi đều “được giá”. Có nhà đã bán hết sạch bưởi Diễn cho các thương lái, cũng có nhà giữ lại để bán nhỏ lẻ cho người mua với giá cao.Theo khảo sát tại đây, thời điểm tết Ất Mùi còn gần hai tháng nhưng giá loại quả đặc sản này đã lên tới 80.000 -100.000 đồng/quả bán tại vườn. So với năm ngoái, năm nay bưởi Diễn tăng lên 20.000 - 25.000 đồng/quả.

Lo ngại mua phải bưởi Diễn “nhái” nên nhiều người phải cất công đến tận vườn để đặt mua. Chính vì thế mà cứ trước tết vài ba tháng bưởi Diễn hầu như hết hàng. Theo những chủ vườn bưởi Diễn “xịn”, những loại bưởi trên có xuất xứ từ các vùng khác như Phú Thọ, Hưng Yên hoặc ở các huyện ngoại thành như Hoài Đức, Thạch Thất... là bưởi Diễn “nhái” nên ăn không thể thơm ngon bằng.

Cam Canh

Trong số các loại hoa quả đặc sản Tết 2015 có thể kể tới cam Canh đang vào mùa hút khách, loại cam Canh vốn có xuất xứ từ Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội). Cam Canh vỏ mỏng, mọng nước và rất ngọt nên được khách hàng ưa chuộng. Cam Canh thường được trồng tại vườn của các hộ nhà nông, không sử dụng hóa chất kích thích nên khách hàng thường tìm tới hái từng thùng để mua, thời điểm hiện tại, cam Canh đang vào vụ mùa đắt hàng nhất.

Giá của loại cam này được rao bán khoảng 80.000đồng/cân, loại cam trông to và mọng nước hơn thường làm quà biếu ngày tết có giá 120.000 đồng/cân. Chủ một vườn cam Canh ở Hà Nội cho biết, vườn cam của anh có khách đặt từ đầu tháng 9. Hiện tại số lượng cam Canh trong vườn đã được người đặt mua hết. Nhiều người gọi điện hỏi mua nhưng anh đành phải từ chối.

Giải trí

Những phong tục đẹp ngày Tết cổ truyền của người Việt

Trải qua bao biến động của lịch sử, của thời gian nhưng người Việt vẫn gìn giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc trong ngày tết.

Ngày Tết nên cắm hoa gì để rước tài lộc vào nhà?

Ngoài các hoa đặc trưng của ngày Tết như hoa mai, hoa đào, bạn có thể chọn cho gia đình mình các loại hoa tươi khác vừa chơi hoa được lâu, bền màu mà còn rất ý nghĩa...

Những loại hoa quả biếu tết bắt mắt nhất 2015

Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, nhân dịp tết Nguyên Đán Ất Mùi đang đến gần các nhà làm vườn đã bắt đầu tung ra thị trường nhiều loại trái cây, hoa quả biếu tết cực độc...

Quà tết 2015: Xu hướng quà quê lên ngôi

Khác hẳn với những năm trước, các món quà quê vừa dân dã, vừa ngon, lại đảm bảo an toàn thực phẩm là xu hướng quà Tết 2015 tới đây. Từ gà, cá đến các loại hoa quả đều được đang được người tiêu dùng “săn lùng” và đặt hàng đón Tết.